Đến với Đà Nẵng ai cũng nghĩ tới bán đảo Sơn Trà, thăm bán đảo Sơn Trà không ai lại bỏ qua địa điểm mang tên “Đỉnh bàn cờ”. Đây là nơi gợi cho ta có chút cảm giác hoài cổ giữa cuộc sống hiện đại.
Bán đảo Sơn Trà là một viên ngọc của Đà Nẵng, nơi đây được thiên nhiên ưu ái nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều bãi biển thơ mộng. Đặc biệt có đỉnh bàn cờ Sơn Trà thần bí.
Có nhiều truyền thuyết kể về sự tích ở đỉnh bàn cờ bán đảo Sơn Trà. Thuở sơ khai có một vị tiên ông giáng trần đến Sơn Trà, ngồi nghỉ ngơi thắng cảnh trên một phiến đá rộng. Trong lúc phong cảnh hữu tình hóa phép kẻ ra một bàn cờ trên phiến đá đang ngồi và ngay lập tức biến ra một bộ cờ đầy đủ. Ngồi giải khuây một lúc, Đế Thích du ngoạn đi ngang qua thấy cảnh tiên ông chơi cờ một mình, bèn lại gần xin được chỉ giáo. Hai vị tài sức ngang nhau, ngồi mấy ngày liền ván cờ chưa có hồi kết, bất phân thắng bại. Phong cảnh Sơn Trà từ trên cao như phụ họa thêm cho cảnh đối cờ, cứ ung dung tự tại, bình thản ra nước, rồi lại ngẫm nghĩ nước tiếp.
Qua vài ngày ván cờ vẫn duy trì, hai vị vẫn ngồi đó, bỗng từ trên cung mây lướt gió hạ tràn một vài tiên nữ, các tiên nữ dừng chân xuống một bãi tắm gần đó vui đùa cùng làn nước biển xanh mát. Sau này người dân đặt tên cho bãi tắm đó với một cái tên rất mĩ miều: “Tiên Sa”.
Trong lúc căng thẳng tỉ thí cờ, xuất hiện một vài tiếng vui đùa của các tiên nữ làm cho Đế Thích phân tâm, đi sai một nước, ngay lúc đó tiên ông chớp cơ hội khóa nước kết thúc bàn cờ. Thắng cuộc tiên ông vui vẻ chắp tay từ biệt, gọi mây về trời. Để lại Đế Thích ngồi ngầm nghĩ có tìm ra nước giải cờ, những vẫn không có kết quả. Sau này dựa vào truyền thuyết người dân đã khắc 1 bàn cờ lên phiến đá có sẵn, tạc tượng một cụ lão đang đăm chiêu với nước cơ. Đó chính là Đế Thích.
Nhiều người thắc mắc tại sao Đế Thích là tiên cơ mà lại bị thua, và vị tiên thắng được Đế Thích là ai? Đó chỉ là một trong những truyền thuyết câu truyện giải thích về địa danh “Đỉnh bàn cờ bán đảo Sơn Trà”.
Chuyện cổ tích cho rằng xưa kia nơi đây là một Am nhỏ mang tên Am Bạch Vân do một vị sư thầy Thiền phái Trúc Lâm dựng lên làm nơi tu hành. Sau chỉ còn lại phần móng hình chữ công, có phiến đá rộng, mọi người liên tưởng đến bàn cờ tiên.
Có hai hướng để đường lên Đỉnh bàn cờ Sơn Trà, một là đi hướng chùa Bãi Bụt Linh Ứng rồi sau đó vượt dốc lên Đỉnh bàn cờ. Đi cách này bạn có thể tiện đường tham qua chùa Bãi Bụt Linh Ứng, ghé qua lòng thành thắp nén nhang cầu bình an rồi tiếp tục đi. Hai là bạn có thể đi từ đường Yết Kiêu rẽ về phía Doanh trại quân đội nhân dân Vùng 3 Hải quân. Đây là lựa chọn mọi người hay dùng nhất để tiết kiệm thời gian. Vì đường lên Đỉnh bàn cờ khá dốc, có những khúc cua tưởng như phải ôm sát vào vách núi và không thể di chuyển với tốc độ cao.
Khung cảnh nơi đây có lẽ đẹp nhất vào sáng sớm, sương mờ phủ ngang lưng núi, tưng ánh ban mai đỏ hồng dần hiện ra xuyên qua các tán lá đem đến vẻ đẹp tinh khôi nhất. Còn lúc chiều tà ngắm hoàng hôn từ đỉnh bàn cờ cũng ảo diệu không kém phần.
Từ trên độ cao hơn 700 m so với mặt nước biển, Đỉnh bàn cờ quả thực là vị trí lý tưởng để ngắm bao quát Đà Nẵng. Mọi thứ dường như có thể thu gọn vào tầm mắt, từ những bãi biến, đến cây cầu, đến khu dân cư với nhịp sống tấp nập.
Sau khi vượt qua hết đường đèo, để đi tới tận nơi hai vị tiên từng đánh cờ bạn phải leo bộ lên một dốc dài thẳng đứng. Vượt qua đoạn đường mệt “bở hơi tai” kết quả sẽ không làm bạn thất vọng, cảnh vật trên Đỉnh bàn cờ thật sự đẹp lạ kỳ, không gian bao la, đứng ngang mây trời.
Lên tới nơi bạn có thể tha hồ chụp những tấm hình làm kỷ niệm. Ngồi đối diện tượng Đế Thích thử sức chơi một ván với tiên cờ. Mỗi du khách đã ngồi xuống bàn cờ là không muốn đứng lên, đã đặt chân lên đỉnh là không muốn xuống vì một nỗi cảnh đẹp níu giữ lòng người.
Mong rằng bài viết cũng cấp cho bạn thêm nhiều thông tin hữu ích. Chúc bạn có một chuyến đi đến Đỉnh bàn cờ Đà Nẵng nhiều kỉ niệm vui cùng bạn bè
Nguồn: vntrip.vn
Để lại bình luận của bạn